27/2/12

Đề thi tốt nghiệp Cao đẳng nghề


BỘ LAO ĐỘNG  - THƯ ƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
TỔNG CỤC DẠY NGHỀ
 
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
       Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
Số: 823/TCDN - ĐTN
V/v: Tổ chức thi tốt nghiệp
cao đẳng nghề khóa 2 (2008 - 2011)
          Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2011


Kính gửi: …- Các Bộ/ngành, Tập đoàn, Tổng công ty;
- Các Sở LĐTBXH Tỉnh/TP trực thuộc TW;
- Các cơ sở dạy nghề có tổ chức thi tốt nghiệp CĐN khóa 2.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từ năm 2010 Tổng cục Dạy nghề  đã chỉ đạo công tác tổ chức thi tốt nghiệp hệ cao đẳng nghề khoá 1 (2007-2010), trong đó tăng cường sự gắn kết với doanh nghiệp trong việc tổ chức thi tốt nghiệp và giải quyết việc làm cho sinh viên. Nhằm thực hiện tốt Kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khoá 2 (2008 - 2011), Tổng cục Dạy nghề hướng dẫn một số nội dung cơ bản, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
Chuẩn hóa quy trình đào tạo; nâng cao chất lượng đào tạo nghề; tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, thi tốt nghiệp và giải quyết việc làm cho sinh viên; đảm bảo trung bình 75% sinh viên có việc làm đúng nghề đào tạo ngay sau khi tốt nghiệp.
2. Yêu cầu:
- Tuân thủ Quy chế thi, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp trong dạy nghề hệ chính quy, ban hành kèm theo Quyết định số 14/2007/QĐ - BLĐTBXH, ngày 24 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
         - Đề thi tốt nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu đánh giá, phân loại trình độ kiến thức, kỹ năng của người học nghề đã tích luỹ được trong quá trình học tập và rèn luyện;
         - Kỳ thi tốt nghiệp phải được thực hiện nghiêm túc, an toàn, phản ánh đúng thực chất trình độ kiến thức, kỹ năng của sinh viên;
- Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc ra đề thi, coi thi, chấm thi và tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp vào làm việc tại doanh nghiệp.
II. NỘI DUNG THI, MÔN THI TỐT NGHIỆP
1. Nội dung: Nội dung đề thi tốt nghiệp phải thể hiện kiến thức, kỹ năng cơ bản và chuyên sâu trong chương trình khung và chương trình đào tạo của từng nghề.
2. Môn thi tốt nghiệp: Các môn thi tốt nghiệp trình độ cao đẳng nghề bao gồm:
a) Môn Chính trị: Được tổ chức theo hình thức thi viết (tự luận) với thời gian 120 phút hoặc thi trắc nghiệm với thời gian 60 phút; có thể bố trí thi môn Chính trị sau khi kết thúc môn học.
b) Môn lý thuyết chuyên môn nghề và thực hành nghề:
- Thi lý thuyết chuyên môn nghề được tổ chức theo hình thức thi viết (tự luận) với thời gian thi không quá 180 phút hoặc thi vấn đáp với thời gian cho 1 thí sinh là 40 phút chuẩn bị và 20 phút trả lời;
- Thi thực hành nghề được tổ chức theo hình thức thực hành bài tập kỹ năng để hoàn thiện toàn bộ hoặc một phần của sản phẩm hay dịch vụ. Thời gian thi thực hành cho một đề thi từ 01 đến 03 ngày và không quá 8 giờ/ngày.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN THI TỐT NGHIỆP CAO ĐẲNG NGHỀ KHOÁ 2
1. Kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khóa 2 (2008 - 2011) tại từng trường được thực hiện theo kế hoạch, tiến độ đào tạo của khoá học.
2. Hiệu trưởng nhà trường xây dựng, ban hành nội quy thi tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp đảm bảo tuân thủ theo các quy định hiện hành và phù hợp với điều kiện thực tế của trường; trong đó chú trọng một số nội dung cơ bản sau:
- Thành lập Hội đồng thi tốt nghiệp, ban ra đề thi, ban coi thi, chấm thi có sự tham gia của doanh nghiệp;
- Soạn đề thi, đáp án, thang điểm, mỗi môn tối thiểu 10 đề trước ngày thi 1 tháng (đối với nghề không thi theo ngân hàng đề thi chung);
- Gửi kế hoạch thi tốt nghiệp về Tổng cục Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và đơn vị chủ quản trước ngày thi tốt nghiệp 1 tháng;
- Tổ chức bắt thăm và in sao đề thi:
+ Hội đồng thi tốt nghiệp của nhà trường tổ chức bắt thăm và in sao đề thi;
+ Môn Chính trị và lý thuyết chuyên môn nghề: Bắt thăm, in sao đề thi,  bảo mật đề thi đã chọn và chỉ công bố cho thí sinh ngay trước khi thi;
+ Môn thực hành nghề: Bắt thăm đề thi thực hành trước khi thi 03 - 05 ngày để chuẩn bị các điều kiện cần thiết (máy, thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu,… ) cho kỳ thi và chỉ công bố cho thí sinh trước 1 ngày để chuẩn bị thi.
- Tổ chức coi thi, chấm thi, xét công nhận tốt nghiệp đảm bảo an toàn, nghiêm túc, công bằng; chậm nhất sau khi tốt nghiệp 1 tháng, các trường công bố kết quả thi tốt nghiệp và tổ chức bế giảng khoá học, phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên, bố trí để doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp tại buổi lễ phát bằng tốt nghiệp.
IV. TỔ CHỨC KỲ THI TỐT NGHIỆP CAO ĐẲNG NGHỀ KHOÁ 2 THEO NGÂN HÀNG ĐỀ THI CHUNG
1. Số lượng nghề đào tạo tổ chức thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung
Năm 2011 sẽ tổ chức thí điểm thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khoá 2 theo ngân hàng đề thi chung cho 15 nghề, gồm: Điện công nghiệp; Công nghệ ô tô; Cắt gọt kim loại; Hàn; Điện tử công nghiệp; Kế toán doanh nghiệp; Quản trị mạng máy tính; Điện dân dụng; Điện tử dân dụng; Quản trị cơ sở dữ liệu; Lập trình máy tính; Kỹ thuật sửa chữa, láp ráp máy tính; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Nguội sửa chữa máy công cụ; May và thiết kế thời trang;
2. Yêu cầu đối với các trường
Để thực hiện thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khoá 2 theo ngân hàng đề thi chung, các trường cần thực hiện tốt các công việc sau:
- Đăng ký tổ chức thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung với Tổng cục Dạy nghề;
- Tham gia biên soạn, thẩm định ngân hàng đề thi chung;
- Chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguyên vật liệu và giảng viên đáp ứng yêu cầu của đề thi tốt nghiệp;
- Mời doanh nghiệp tham gia biên soạn đề thi, coi thi, chấm thi và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp.
3. Đề thi tốt nghiệp dùng chung:
a) Quy trình biên soạn đề thi:
- Các trường đề xuất giảng viên chuyên môn và chuyên gia từ doanh nghiệp theo từng nghề để biên soạn, thẩm định đề thi;
- Tổng cục Dạy nghề:
+ Tổ chức hội nghị biên soạn đề thi tốt nghiệp;
+ Tổ chức thẩm định đề thi;
+ Chỉnh sửa, hoàn thiện bộ đề thi;
+ Công bố bộ đề thi trên trang web của Tổng cục Dạy nghề theo địa chỉ:http://www.tcdn.gov.vn.
b) Cấu trúc và định dạng của đề thi:
Ngân hàng đề thi tốt nghiệp của mỗi nghề có tối thiểu 50 đề thi lý thuyết chuyên môn và 50 đề thi thực hành nghề; mỗi đề thi có từ 3 đến 5 câu hỏi, tuỳ theo đặc trưng của nghề.
- Cấu trúc của đề thi bao gồm các câu hỏi/bài tập thuộc phần kiến thức, kỹ năng bắt buộc được quy định trong chương trình khung, thuộc 3-5 môn học/mô đun đào tạo nghề bắt buộc và một số câu hỏi/bài tập thuộc phần kiến thức, kỹ năng tự chọn tùy theo từng nghề.
+ Khối lượng nội dung kiến thức, kỹ năng bắt buộc chiếm 70% khối lượng nội dung kiến thức, kỹ năng của toàn bài thi, được lựa chọn từ các môn học, mô đun chuyên môn nghề bắt buộc trong chương trình khung dạy nghề của từng nghề. Thời gian để thực hiện các câu hỏi/bài tập của phần kiến thức, kỹ năng bắt buộc chiếm 70% tổng thời gian thực hiện bài thi;
+ Khối lượng nội dung kiến thức, kỹ năng tự chọn chiếm 30% khối lượng nội dung kiến thức, kỹ năng của toàn bài thi, được lựa chọn từ các môn học, mô đun nghề tự chọn trong chương trình dạy nghề của từng nghề tại từng trường. Thời gian để thực hiện các câu hỏi/bài tập của phần kiến thức, kỹ năng tự chọn chiếm 30% tổng thời gian thực hiện bài thi.
- Đề thi được xây dựng theo mẫu định dạng chung, mẫu định dạng được đăng tải trên trang web theo địa chỉ: http://www.tcdn.gov.vn/dethitotnghiep).
c) Thang điểm của đề thi:
- Đề thi lý thuyết chuyên môn tính theo thang điểm 10; điểm dành cho phần kiến thức bắt buộc chiếm 70%, điểm dành cho phần kiến thức tự chọn chiếm 30% điểm toàn bài thi;
- Đề thi thực hành nghề tính theo thang điểm 100, sau khi chấm thi sẽ quy về thang điểm 10; điểm dành cho phần kỹ năng bắt buộc chiếm 70%, điểm dành cho phần kỹ năng tự chọn chiếm 30% điểm toàn bài thi. Cơ cấu điểm của đề thi thực hành bao gồm: Điểm kỹ thuật, điểm thời gian thực hiện, điểm an toàn lao động, điểm tổ chức nơi làm việc và điểm làm việc theo tổ/nhóm (nếu có).
4. Sử dụng ngân hàng đề thi tốt nghiệp:
- Các trường báo cáo Tổng cục Dạy nghề (Vụ Đào tạo nghề) để bắt thăm đề thi từ ngân hàng đề thi chung, việc bắt thăm đề thi tốt nghiệp được thực hiện theo 1 trong 2 cách sau:
+ Bắt thăm đề thi tại trường, có sự chứng kiến của đại diện Tổng cục Dạy nghề hoặc cơ quan quản lý cấp trên của trường;
+ Bắt thăm đề thi tại trụ sở Tổng cục Dạy nghề (Vụ Đào tạo nghề);
- Việc bắt thăm đề thi tốt nghiệp phải được lập biên bản; biên bản được lưu tại Tổng cục Dạy nghề (Vụ Đào tạo nghề) và tại trường;
- Số lượng đề thi lý thuyết và đề thi thực hành được bắt thăm để tổ chức thi tốt nghiệp phụ thuộc vào số lượng sinh viên dự thi, điều kiện thực tế của từng trường;
- Đề thi lý thuyết chuyên môn và thực hành nghề cho từng nghề được bắt thăm riêng biệt;
- Trên cơ sở đề thi đã bắt thăm được từ ngân hàng đề thi chung, các trường bổ sung thêm một số câu hỏi/bài tập thuộc phần tự chọn để tạo thành bộ đề thi hoàn chỉnh (kèm đáp án, thang điểm); Hiệu trưởng nhà trường phê duyệt đề thi để triển khai thực hiện.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tổng cục Dạy nghề chịu trách nhiệm:
- Hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khoá 2;
- Tổ chức biên soạn, thẩm định và công bố đề thi dùng chung;
- Phối hợp với các Bộ, ngành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng nghề Khoá 2.
2. Các Bộ, ngành, địa phương:
- Chỉ đạo, hướng dẫn các trường cao đẳng nghề trực thuộc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khoá 2 theo các quy định hiện hành và nội dung của công văn này;
 - Phối hợp với Tổng cục Dạy nghề trong việc tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khoá 2;
- Tổng hợp, báo cáo kết quả thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khoá 2 và kết quả giải quyết việc làm sau tốt nghiệp đối với các trường cao đẳng nghề thuộc phạm vi quản lý và gửi về Tổng cục Dạy nghề theo định kỳ 6 tháng một lần.
3. Các trường cao đẳng nghề, trường cao đẳng, đại học có đăng ký hoạt động dạy nghề:
- Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khoá 2 theo các quy định hiện hành và theo hướng dẫn tại công văn này;
- Báo cáo kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khoá 2 về Tổng cục Dạy nghề và Bộ, ngành, địa phương trực tiếp quản lý;
- Báo cáo kết quả tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp cao đẳng nghề khoá 2, kết quả giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp gửi về Tổng cục Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và đơn vị quản lý trực tiếp chậm nhất sau kỳ thi tốt nghiệp 30 ngày.
Trên đây là hướng dẫn của Tổng cục Dạy nghề về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khóa 2 để các trường triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phản ánh về Tổng cục Dạy nghề theo số điện thoại 04.3.9740361/04.3.9745196 để được giải quyết./.
 KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng cục trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, ĐTN. 
 



(Đã ký)



Dương Đức Lân
Thông tin chi tiết

Tên file:
Đề thi tốt nghiệp Cao đẳng nghề
Phiên bản:
N/A
Tác giả:
TỔNG CỤC DẠY NGHỀ
Website hỗ trợ:
N/A
Thuộc chủ đề:
Thư Viện VHV » Chương trình - Đề cương » Đề thi
Gửi lên:
14/02/2012 07:15
Cập nhật:
14/02/2012 07:15
Người gửi:
Thuvien
Thông tin bản quyền:
N/A
Dung lượng:
104.50 KB
Đã xem:
17
Đã tải về:
8
Đã thảo luận:
0

Không có nhận xét nào: